#16 - 6 BƯỚC CẢI THIỆN TƯ DUY THIẾT KẾ

Mình đã cho rằng việc học thiết kế từ con số 0 hoàn toàn là một bất lợi. Nhưng bên cạnh hạn chế, nó có một lợi thế to lớn mà mãi rất lâu sau này mình mới nhận ra: mình hoàn toàn không bị ràng buộc bởi bất kỳ kiến thức hay tư duy nào trước đó, vì thế mình dễ dàng thích nghi và chấp nhận các phương pháp thiết kế mới một cách nhanh chóng.

Dưới đây là 6 bước mình rút tỉa được sau quá trình 5 năm bén duyên với nghề của một kẻ tay ngang. Hy vọng sẽ hữu ích với ai đó.

1️⃣ “Reset” gu thẩm mỹ

Gu thẩm mỹ của mỗi người có thể khác nhau, nhưng trong thiết kế, điều quan trọng nhất là sự "phù hợp". Một khi đã bắt đầu thiết kế, hãy quên đi khái niệm về đẹp và không đẹp, vì nó cũng chỉ dựa trên suy nghĩ cũng như trải nghiệm của “một mình bạn” mà thôi. Thay vào đó, hãy nghiên cứu khách hàng và quan tâm hơn đến sự “phù hợp”.

2️⃣  Xác định và giải quyết các vấn đề ảnh hưởng lối tư duy của bạn

Mình đã từng loay hoay lựa chọn giữa vẽ minh hoạ và thiết kế đồ hoạ. Lúc đó mình không hề biết mỗi lựa chọn sẽ đưa mình về đâu. Vì thế mình đã có cuộc nói chuyện khá dài với Phong, founder tại Pstúdio. Phong đã đưa ra một số góc nhìn mới về hiệu năng của một tác phẩm, về nhu cầu của thị trường, và về thế mạnh của mình - thứ mà chính mình cũng không nhận thấy.

Vấn đề của mình lúc đó là, không nghiên cứu nhu cầu thị trường, không có kiến thức nền, và không biết mình muốn gì. Kể lại thì nghe có vẻ dễ nhưng nó thật sự là một quá trình đấu tranh tâm lý thật sự dài.

3️⃣ Đừng bỏ qua “trực giác”

Mình hay có cảm giác có gì đó không ổn trong thiết kế, nhưng rồi lại bỏ qua và làm tiếp, cho đến khi khách hàng thật sự feedback về cái “không ổn” đó, mình mới chú ý đến nó.

Vậy nên, hãy tin vào trực giác của bản thân, tự hỏi xem tại sao bạn lại thấy chỗ này không ổn, lý do là gì? Việc tìm được càng nhiều câu trả lời cho những câu hỏi như vậy sẽ càng khiến tư duy thiết kế của bạn được rèn luyện một cách đáng kể.

4️⃣ Học cách “say yes”.

Trong lúc thiết kế, mình hay có những suy nghĩ thế này:

- Thôi cái này xấu lắm, vẽ vào không được đâu.

- Ý tưởng này người khác làm nhiều rồi, mình phải làm cái nào “độc lạ” hơn chứ.

- Kiểu này mình chưa làm bao giờ, thôi cứ làm theo cách cũ cho chắc.

- Style này mình không giỏi, thôi đợi dự án khác vậy.

Và rất nhiều lần như thế, mình đã “say no” với không biết bao nhiêu cơ hội.

Thỉnh thoảng, hãy học cách chấp nhận những điều mới, chấp nhận thử nghiệm, sẽ có lúc thất bại, nhưng ẩn bên trong đó luôn là những bài học giúp bạn phát triển nhanh hơn.

Việc đi theo lối mòn sẽ không bao giờ cải thiện được tư duy thiết kế cả, nó chỉ khiến bạn trở thành một người thợ lành nghề, và rồi sau đó sẽ trở thành một người thợ “hết thời”. Thay vì chỉ tập trung vào việc sao chép những gì đã được làm trước đó, hãy tìm kiếm cách tiếp cận vấn đề từ một góc nhìn mới.

5️⃣ Làm các dự án thực tế

Mình đã từng nghĩ rằng phải học và luyện tập đủ lâu, đủ nhiều, cho đến khi cảm thấy đủ giỏi, đủ “hoàn hảo” thì mới nhận dự án thật để làm mà không sợ bị ai coi thường.

Và tất nhiên rồi, đó là một lối suy nghĩ tai hại. Mình quên rằng tích luỹ kiến thức là một quá trình không có điểm dừng. Việc chỉ làm dự án cá nhân, không có feedback, không biết nhu cầu thị trường và không có khách hàng thật khiến mình rơi vào trạng thái học thụ động, gần như dậm chân tại chỗ.

Chỉ đến khi liều lĩnh nhận chiếc job đầu tiên, mình mới bắt đầu có những bước phát triển rõ rệt. Nếu được đưa ra lời khuyên cho những ai mới vào ngành, thì đó sẽ là:

“Đừng đợi đến lúc bạn hoàn hảo rồi mới làm, sẽ không bao giờ xảy ra đâu”.


6️⃣ Cải thiện tư duy là sự kết hợp giữa rèn luyện và thảo luận

Để tạo ra lối tư duy hiệu quả, bạn không thể làm nó một mình. Hãy trao đổi nó với ít nhất một người. Nếu bạn hướng nội, hãy đặt câu hỏi trên mạng xã hội hoặc theo dõi các mục Q&A ở các nhóm hoặc fanpage. Mình cá là bạn sẽ bất ngờ vì những người xa lạ lại có những đấu tranh nội tâm, những khó khăn, những thắc mắc giống y hệt bạn đấy.

Previous
Previous

#17 - BÍ MẬT ĐỂ NỔI BẬT TRONG NGÀNH

Next
Next

#15 - 5 CÁCH “LEVEL UP” KỸ NĂNG THIẾT KẾ