#9 - TỪ A ĐẾN SKETCH QUY TRÌNH PHÁT TRIỂN IDEA

Tại Pstúdio, công việc của mình là biến con chữ thành hình ảnh - chuyển các kịch bản công nghệ phức tạp thành hình ảnh dễ hiểu trước khi bàn giao cho team motion làm chuyển động.

Vậy mình đã làm công đoạn này như thế nào?

Bước 1: Nghiên cứu tài liệu từ khách hàng.

Bước này cần làm kỹ, vì hiểu sai thông điệp của khách hàng có thể dẫn đến việc phải chỉnh sửa liên tục.

Những ngày đầu bước chân vào nghề, cũng chính vì không chịu đọc kỹ materials và cho rằng nó “sáo rỗng”, toàn là chữ, nên các dự án của mình thường hay bị kéo dài, khách luôn muốn thay đổi idea sau mỗi lần gửi. Mình chưa hiểu rõ họ muốn gì thì đã lao vào vẽ vời. Chung quy là vì ý tưởng của mình đã sai ngay từ đầu rồi.

Bước 2: Lên moodboard

Ban đầu, mình hiểu sai về khái niệm moodboard, cho rằng nó chỉ là việc sưu tập và đặt hình ảnh đẹp vào một chỗ.

Nhưng sau này mình nhận ra không đơn giản như vậy. Nếu chúng ta chèn quá nhiều hình ảnh vào moodboard, khi bắt đầu vẽ sẽ rất dễ bị lan man, không đồng nhất về phong cách vẽ (lúc thì thấy cái này đẹp, lúc lại thấy style khác hấp dẫn hơn).

Moodboard là công cụ để thống nhất về mọi mặt, là nơi mà bất kỳ ai nhìn vào cũng sẽ hiểu rõ sản phẩm cuối cùng có những đặc điểm gì, chứ không phải nơi trình diễn khả năng "ai tìm ra nhiều hình ảnh đẹp hơn".

Một moodboard tốt sẽ cần thể hiện được:

  • Tinh thần cốt lõi của thương hiệu. Khách hàng mong đợi gì từ video này, liệu họ muốn hình ảnh mạnh mẽ, năng động, trẻ trung; hay là sự nhẹ nhàng, nhân văn. Mình sẽ cố đọc hiểu điều này từ họ, và tìm những hình ảnh nào mang tính đặc trưng nhất, thể hiện rõ ràng nhất những thông điệp đó, chọn lọc kỹ rồi cho vào moodboard.

  • Các yếu tố về màu sắc, nhân vật, background, và góc cạnh.… Tất cả những điều này cần được thể hiện rõ ràng kèm giải thích chi tiết. Nhân vật có face hay faceless, background sẽ đi màu sặc sỡ hay “muted color”. Chỉ sử dụng bảng màu từ guideline hay nên phối thêm màu khác. Và nếu giải thích được lý do tại sao thì càng tốt.

  • Ví dụ: “Vì bảng màu của guideline khá sặc sỡ, mà video lại dài, nên tôi đề xuất sẽ chỉ đi màu chi tiết cho nhân vật, và dùng tone “muted color” cho background, để không làm mỏi mắt người xem”.

  • Tránh sử dụng những sản phẩm tương tự có sẵn, có nội dung giống với những gì mình chuẩn bị thực hiện mà không cần biết style là gì, có phù hợp với guideline của khách hay không. Điều này rất nguy hiểm vì khi xem quá nhiều sản phẩm có sẵn, rất dễ bị “vô thức” làm theo, bỏ quên hướng đi ban đầu.

Bước 3: Lên ý tưởng hình ảnh (visual brainstorming)

Đầu tiên, mình sẽ tìm cách giải thích ý tưởng bằng hình ảnh:

Ở bước này, mình tìm các sản phẩm tham khảo hoặc hình ảnh từ nhiều nguồn để chuyển từng câu chữ thành hình ảnh. Đây mới là lúc vận dụng khả năng tìm kiếm hình ảnh để giải thích càng rõ ràng càng tốt những idea trong đầu (chứ không phải là ở bước làm moodboard).

Xác định từ khoá chính trong từng câu, sau đó tìm các từ liên quan trên Google hoặc Pinterest, tránh các ý tưởng quá thông thường hay quá trừu tượng.

Tiếp đến là giải thích chuyển cảnh:

Mình đã bỏ qua điều này trước đó vì nghĩ rằng chỉ cần tập trung vào các khung hình chính và để team motion xử lý chuyển động. Tuy nhiên, đề xuất cách chuyển cảnh từ đầu giúp mọi người dễ dàng hình dung nhịp của video, đảm bảo mọi bên có cùng một “tưởng tượng” về sản phẩm cuối cùng, quyết định sự thành công của dự án.

Bước 4: Viết description

Ở bước này, mình thường kết hợp cùng bước 3.

  • Với những khách hàng đã viết sẵn mô tả cho ý tưởng của họ, mình chỉ cần điều chỉnh câu từ và ý tưởng để chúng phù hợp với nhau và bổ sung thêm ý tưởng nếu cần thiết.

  • Đối với những khách hàng không có ý tưởng cụ thể, đây là cơ hội để mình sáng tạo (mặc dù có thể gặp khó khăn). Mình cần viết mô tả hình ảnh một cách ngắn gọn, dễ hiểu, và diễn đạt chính xác những gì sẽ diễn ra trong từng khung hình.

Bước 5: Sketch

Sau khi mọi thứ đã hoàn thành thì công đoạn sktech sẽ vô cùng nhanh và đơn giản thôi.

Một tips ở bước này là hãy vẽ đẹp nếu có thể. Biết rằng bước sketch chỉ mang tính chất giúp khách hàng hình dung về bố cục, ý tưởng, chưa phải bản graphic chi tiết cuối cùng, nhưng cũng tuyệt đối không nên vẽ quá cẩu thả và sơ sài. Khách hàng càng dễ hình dung, thì các công đoạn phía sau càng đỡ vất vả. Hơn nữa, đẹp, nịnh mắt, nhìn vào có cảm tình tốt thì khách hàng sẽ dễ dàng chấp nhận ý tưởng của mình hơn.

Previous
Previous

#10 - TOP 05 SỰ THẬTGIÚP TIẾT KIỆM HÀNG GIỜ THIẾT KẾ

Next
Next

#8 - KỸ NĂNG ĐÓN NHẬN FEEDACK