#1 - 05 CÁCH ĐỂ RESEARCH TỐT HƠN

01 Đừng chỉ xem

Mình có thói quen lướt Pinterest mỗi sáng trước khi bắt đầu công việc, và mình luôn nhấp vào đường link dẫn đến website của các tác phẩm mà mình cảm thấy thích, nhìn tổng quan website của họ, save lại nếu nó thật sự chỉn chu và chuyên nghiệp.

Có rất nhiều thứ hay ho từ các website này: khách hàng của họ là ai, cách mà họ trình bày sản phẩm, các nền tảng mà họ đang tham gia, cũng như ti tỉ thứ khác, những điều mà mình không thể nào biết được nếu chỉ lướt qua bức tranh của họ như một người xem tranh mà thôi.

Mình xem đây cũng như là một cách kết nối, có thể giúp mình đến gần hơn với các artists khác dù họ ở bất cứ đâu.

02 Nếu bạn phải “wow" trước một tác phẩm, hãy cố tìm lý do xem tại sao bạn thích nó.

Trong quá trình tìm cảm hứng trước khi bắt tay vào vẽ, mình không ít lần đã phải dừng lại vào “wow" trước những tác phẩm phải nói là quá đẹp, quá xuất sắc. Nhưng rồi sau đó? Mình sẽ quên nó ngay, tiếp tục lướt, lướt. Và rồi lại wow trước những tác phẩm khác.

Vấn đề ở đây là gì? Mình không hề học được gì trong quá trình tìm kiếm này cả, ngoài cảm thấy càng thêm bế tắc vì tìm mãi chả được gì. Mãi đến rất lâu, phải nói là rất lâu sau này, mình mới nhận ra, mình đã bỏ qua một bước cực kỳ quan trọng trong thao tác research. Đó là "phân tích tác phẩm".

Nếu có một bức tranh khiến mình quá thích đến nỗi phải dừng lại thật lâu để cảm thán, thì mình sẽ tự bắt buộc bản thân phải giải thích được tại sao lại thích nó.

Mình sẽ bắt đầu đưa ra những lý do tổng quan trước, ví dụ như:

  • Vì họ đã chọn phối cảnh 1 điểm tụ để vẽ bức này, nên nhìn nó hút mắt hơn.

  • Thay vì chỉ vẽ góc chính diện và flat, họ đã vẽ thêm một mặt bên để trông có chiều sâu hơn.

  • Gam màu họ dùng quá thu hút nên mình đã bị ấn tượng ngay. Là do bản thân mình thích những màu thế này, hay do ý đồ phối màu của họ?

  • Sau đó là những thứ đi sâu hơn vào chi tiết:

  • Hình như họ đã hơi kéo nghiêng bức hình nên nhìn nó có tính “chuyển động".

  • Hình như có một lớp màu được phủ lên trên thì phải.

  • Có vẻ họ đã cố ý blur phần này đi.

Cứ thế, mình cố gắng tìm càng nhiều, càng nhiều lý do càng tốt. Và qua mỗi tác phẩm, mình đều có thể “bỏ túi" được ít nhất một vài tips để có thể áp dụng cho tác phẩm của mình. Dần dần những thứ này sẽ vô tình tạo thành một hệ thống công thức cho riêng mình để có thể tạo ra những tác phẩm tạm gọi là “dễ gây ấn tượng hơn" cho người xem. Nghệ thuật không hẳn lúc nào cũng đòi hỏi bạn phải sáng tạo như một nhà phát minh thiên tài, mà đôi khi nó nằm ở chỗ bạn hiểu được tâm lý người xem bao nhiêu.

03 Hãy chú ý đến angle

Cái này cũng là một phần của mục số 2 bên trên, nhưng mình chọn viết riêng hẳn một đề mục vì mình thấy nó khá quan trọng. Trước khi nhìn vào màu sắc hay chi tiết của bức tranh, thì hãy thử giải thích xem tại sao họ lại chọn góc máy này để vẽ. Trước đây mình chả bao giờ quan tâm đâu, vì cứ thấy angle nào thuận tay thì vẽ thôi. Nhưng càng quan sát kỹ mình càng thấy rõ ràng rằng mỗi góc máy đều có mục đích riêng của nó, và không phải tự nhiên mà họ lại vẽ như vậy. Trong motion graphic thì việc chọn angle lại càng quan trọng hơn.

Ví dụ bạn cần vẽ 2 người trò chuyện với nhau, thì bạn sẽ chọn size (cụ thể là Camera Shot Sizes) như thế nào cho cảnh này? Một góc rộng (wide shot) để thấy cả toàn thân nhân vật và bối cảnh xung quanh hay một góc trung bình (medium shot) chỉ thấy từ vai nhân vật trở lên, hay một góc cận (close-up shot) để thấy rõ biểu cảm nhân vật?

Sau đó, thì bạn định cho 2 nhân vật đứng như thế nào đây?

Cho 2 người đứng đối diện nhau góc 1/2 (2-Shot) hay chỉ nhìn 1 người từ phía sau vai của người còn lại (Over-The-Shoulder Shot)?

Dù trong hội hoạ hay phim ảnh, thì việc chọn góc máy cũng vô cùng quan trọng, vì nếu bạn chọn góc không đẹp, hoặc tệ hơn là sai hoàn toàn ý đồ mà khách hàng mong muốn thể hiện, thì bạn sẽ phải đập đi xây lại toàn bộ.

04 Thực hành ngay

Có một câu thế này: “Taking action is more important than perfection”.

Nghe có vẻ cũ nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Những điều mà bạn tưởng tượng sẽ nằm trong trí tưởng tượng của bạn mãi mãi … nếu bạn không thật sự làm.

Ngay khi vừa nghĩ ra gì đó, hãy thử áp dụng nó ngay. Những điều mình nghĩ ra ở 2 mục bên trên, đều sẽ ít nhiều được mình thực hành ngay. Có thể là một tác phẩm mình đang làm luôn, hoặc có khi mình dùng lại tranh cũ, cứ thử đi thử lại, thêm rồi lại xoá. Tất nhiên, không phải lúc nào cứ áp dụng cách của người khác lên tranh của mình là nó sẽ đẹp. Nhưng nếu biết cách “nêm nếm", hiểu được cái cốt lõi, biết rút tỉa kinh nghiệm qua quá trình rèn luyện này thì nó sẽ vô tình tích lũy thêm kiến thức lúc nào không hay. Vậy nên, nếu bạn đang vẽ dở bức tranh nào đó, hay có tác phẩm cũ nào đó chưa ưng ý, hãy thử lôi nó ra và improve lên thử xem, biết đâu lại tạo ra kiệt tác thì sao

05 Chia sẻ

Có một sự thật là khi bạn trò chuyện, chia sẻ những điều bạn nghĩ với người khác, thì bạn sẽ nhớ điều đó lâu hơn. Mỗi khi mình đọc được cái gì đó hay ho, mình thường share ngày cho ông bạn già của mình. Tụi mình cũng rất thích cùng nhau tranh luận, đưa ra những góc nhìn khác nhau. Và thường trong quá trình tranh luận, tụi mình cũng sẽ vô tình tự phát hiện ra được những kiến thức khác thú vị hơn. Hoặc tụi mình sẽ choảng nhau :))

Previous
Previous

#2 - MÌNH KHÔNG CÓ STYLE NÀO CẢ