#12 - NGHỆ THUẬT “ĐẠO NHÁI”
Chú ý: Tiêu đề chỉ mang tính chất giật tít!
Không chỉ riêng trong thiết kế, mà mọi thứ trong cuộc sống đều là sự “kế thừa và phát huy” từ những điều có trước. Điều này ai cũng hiểu, tuy nhiên, sự nhạy cảm của lĩnh vực này nằm ở sự phân biệt giữa "lấy cảm hứng" và "sao chép", ranh giới mỏng manh và dễ dàng bị vượt qua.
Dưới đây là một số cách mình dùng để “lấy cảm hứng” trong thiết kế, để biến quá trình này thành một trải nghiệm "tìm tòi, học hỏi" thay vì chỉ đơn thuần là "sao chép".
1/ Thay vì sao chép tác phẩm hoàn thiện, hãy sao chép quá trình của họ
Việc chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng sẽ dẫn đến việc muốn sao chép một cách mù quáng, mà không hiểu rõ về quá trình tạo ra nó. Điều quan trọng là nắm bắt quá trình sáng tạo, tìm hiểu về nguồn cảm hứng, và lý do họ chọn cách thức cụ thể đó.
- Nếu may mắn, một số artist sẽ show rất chi tiết quá trình tạo nên một artworks của họ như là lấy cảm hứng từ đâu, kết hợp màu như thế nào… Học từ quá trình này và áp dụng vào công việc của bạn, với nội dung và phong cách hoàn toàn khác biệt, sử dụng bảng màu và cách vẽ một cách sáng tạo. Quy tắc cơ bản là: Nếu bạn sao chép quá trình, hãy chắc chắn bạn biến đổi nó thành một sáng tạo mới, với nội dung và yếu tố cá nhân của riêng bạn.
- Nếu thích một tác phẩm nhưng lại không tìm được quy trình sản xuất của tác giả. Hãy đọc bài viết này của mình để biết cách làm nhé: https://www.unganh.com/newsletter/research
2/ Không có cái gì là “đẹp nhất”
Trong quá trình sáng tạo, việc quá mức yêu thích một tác phẩm có thể dẫn đến việc tự đặt ra giả định rằng đó là "đáp án đúng". Tình trạng này thường khiến chúng ta tự áp đặt và giữ nguyên ý tưởng ban đầu mà không để cho quá trình sáng tạo phát triển tự nhiên.
Mình tự ép bản thân phải làm giống như vậy thì mới là đúng, chỉ cần thay một tí màu, đổi cách vẽ một tí thôi là “bị xấu”. Mình quên mất rằng, trong sáng tạo làm gì có đúng sai, làm gì có đẹp nhất.
Vậy nên mỗi khi lấy cảm hứng từ tác phẩm, mình luôn để tấm ảnh đấy ngay bên cạnh và bắt đầu cố vẽ làm sao cho càng khác càng tốt.
3/ Luôn bắt đầu bằng việc tìm ý tưởng từ ảnh thật, thay vì tìm từ tác phẩm ai đó vẽ sẵn
Lúc trước mình hay tìm ảnh vẽ sẵn để “bắt chước”. Và kết quả là vẽ hoài không ra. Sau đó mình thay đổi quy trình như sau:
- Bước 1: Tìm cảm hứng/bố cục từ ảnh thật. Nguồn ảnh thật thì luôn dồi dào và phong phú, nếu bắt đầu bẳng ảnh thật thì rất khó để “đụng idea” với ai đó.
- Bước 2: Lên moodboard kỹ càng. Và sau khi lên moodboard xong rồi thì tuyệt đối follow moodboard. Tránh lan man càng làm càng đi xa định hướng ban đầu, dễ dẫn đến việc làm hoài mà không “final” được.
- Bước 3: Tìm cảm hứng từ artist khác, phân tích tác phẩm của họ.
- Bước 4: Làm.
- Bước 5: Improve, đi chi tiết, ánh sáng. Hoàn thiện.
- Bước 6: Làm xong rồi thì tránh xa nó ra, đừng nhìn nó nữa. Càng nhìn càng muốn sửa này sửa kia làm mãi không xong đấy =))