#4 - 05 CÁCH "TẬN DỤNG" ĐIỂM YẾU?
01 Overthinking
Overthinking dễ khiến bản thân rơi vào căng thẳng liên tục. Nhưng trong công việc, đôi khi nó lại là một lợi thế.
Khi đọc kịch bản, mình thường suy nghĩ khá xa xôi. Thời gian đầu, việc này ngốn rất nhiều thời gian, thậm chí có lúc “lạc đề". Nhưng nó dần mang đến hiệu quả, khi mình đã quen với việc phân tích và nghiền ngẫm sâu, biết cách loại bỏ các ý tưởng không cần thiết, thì việc đọc và hiểu kịch bản đã có thể trở nên nhanh và chính xác hơn.
Khi gửi sản phẩm cho khách, vì sợ họ sẽ đánh giá bản thân là thiếu chuyên nghiệp, mình đã học cách kiểm tra và hoàn thiện từng chi tiết một để đảm bảo rằng mình đang gửi đi một sản phẩm hoàn hảo. Vì mình luôn tâm niệm, mỗi khách hàng là một cơ hội quý báu và mình luôn muốn đem lại cho họ sản phẩm tốt nhất.
02 Ngại hỏi
Mình rất khó mở lời để hỏi ai đó về vấn đề mà mình không hiểu, và chỉ có thể trò chuyện thoải mái với những ai thân thuộc. Mình luôn cố gắng cải thiện điểm yếu này của bản thân qua từng ngày. Thế nhưng điểm yếu này đôi lúc cũng phát huy thế mạnh.
Vì ngại hỏi nên mình luôn cố gắng:
Tự tìm hiểu khi gặp vấn đề. Điều này giúp mình trở nên độc lập và tự tin hơn trong việc giải quyết vấn đề.
Đặt câu hỏi cho bản thân: Khi gặp khó khăn trong việc hiểu một vấn đề, mình luôn đặt câu hỏi cho bản thân trước. Cố gắng tự trả lời chúng hoặc ít nhất là xác định rõ vấn đề cần giải quyết. Điều này sẽ giúp mình tập trung vào điểm cốt yếu và tạo ra những câu hỏi cụ thể khi cần tham khảo người khác.
Khám phá sáng tạo: Điểm yếu trong việc ngại hỏi có thể thúc đẩy sự sáng tạo của bản thân. Thay vì làm theo cách được ai đó chỉ dẫn, mình có thể tạo ra những cách độc đáo mà chưa ai làm.
03 Hay quên
Khi chỉ làm 1-2 dự án, thì sẽ rất dễ dàng để quản lý mọi thứ. Nhưng khi có nhiều việc để làm hơn, thì mình bắt đầu quên và nhầm lẫn. Chính vì biết bản thân hay quên, mình đã chọn cách sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và theo trình tự nhất có thể ngay từ đầu.
Mình tìm cách để quản lý dự án sao cho dễ hiểu, dễ tìm. Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo rằng bất kỳ ai trong team cũng có thể tìm thấy tài liệu họ cần mà không phải mất thời gian tìm kiếm.
04 Tin rằng “mình chẳng là ai cả"
Mình luôn tự ti về bản thân và không dám chia sẻ điều gì vì nghĩ rằng cuộc sống của mình không thú vị, và sẽ không ai quan tâm đến nó, mình chẳng là ai so với những người xuất chúng ở ngoài kia.
Nhưng rồi mình nhận ra, chính vì chẳng ai quan tâm đâu, nên mình có thể tha hồ làm bất cứ điều gì. Chính vì mình chẳng là ai cả, thì có gì mà phải sợ. Vì không tự đặt áp lực hoàn hảo, mình có thể tập trung vào việc học hỏi từ những sai lầm và trở nên mạnh mẽ hơn.
Đây cũng là một trong những lý do giúp mình dũng cảm viết những bài blog đầu tiên để chia sẻ hành trình tự học của bản thân.
Mình nhận ra, việc tự ti đôi khi cũng nên được tận dụng đúng cách.
05 Mình thường suy nghĩ “khác người"
Trong các cuộc tranh luận, mỗi khi có suy nghĩ không giống với số đông, mình luôn tự cho là mình sai.
Sau này, khi được học về “Critical Thinking”, mình lại có cái nhìn khác, việc có suy nghĩ khác biệt không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng có thể mang lại giá trị riêng nếu biết tôn trọng quan điểm khác, không khư khư giữ chặt cái tôi, và biết cách tranh luận.
Trong thiết kế, mình thường áp dụng phương pháp này:
Khi lên ý tưởng: Thay vì chỉ đơn giản vẽ những gì thấy trong kịch bản, mình cố gắng đặt ra câu hỏi liệu có khi nào mình hiểu sai ý đồ của khách hàng, hoặc liệu họ có ý tứ gì trong mô tả đó không. Mình thay đổi góc nhìn, suy nghĩ từ các khía cạnh khác nhau, để tránh bị hạn chế trong suy nghĩ do tự áp đặt, và tránh rơi vào nguy cơ “stuck" trong quá trình tìm kiếm ý tưởng.
Khi nhận feedback: Mình đã ngưng than vãn về feedback. Thay vào đó, mình đặt câu hỏi để tìm hiểu lý do tại sao khách lại feedback như vậy. Mình xem mỗi feedback là một bài học miễn phí từ khách hàng.
Hãy yêu thương và tận dụng những điểm yếu cá nhân, vì chúng là một phần không thể thiếu trong câu chuyện mỗi người. Đừng lãng phí điểm yếu của bạn.