#3 - VẼ CÁI GÌ BÂY GIỜ?

Trong hành trình tự học, đã không ít lần mình cảm thấy hào hứng muốn làm một dự án thật cool, nhưng khi đặt bút xuống lại không biết phải vẽ gì. Sau nhiều lần như vậy, mình đã tìm ra được một số phương pháp sau đây, hy vọng có thể giúp được ai đó cũng đang bí ý tưởng.

“𝐶𝑟𝑒𝑎𝑡𝑖𝑣𝑖𝑡𝑦 𝑠𝑡𝑎𝑟𝑡𝑠 𝑤ℎ𝑒𝑛 𝑦𝑜𝑢 𝑐𝑢𝑡 𝑎 𝑧𝑒𝑟𝑜 𝑓𝑟𝑜𝑚 𝑦𝑜𝑢𝑟 𝑏𝑢𝑑𝑔𝑒𝑡”.

Jaime Lerner

Việc có quá nhiều thứ để vẽ cũng giống như khi bạn được trao rất nhiều tiền để hoàn thành một dự án, và bạn muốn nhồi nhét tất cả mọi thứ vào nhiều đến mức bạn tự áp lực và không còn biết phải làm gì.

Nhưng khi kinh phí không còn nhiều như vậy nữa, thì tự khắc bạn sẽ biết “rất chính xác" mình phải làm gì.

Việc tự chọn chủ đề để vẽ khi tự học cũng vậy, hãy tìm cách tạo ra “giới hạn", tự đề ra một số điều kiện “khắc nghiệt" cho dự án của mình, bạn sẽ phải bất ngờ với khả năng sáng tạo của mình đấy.

Dưới đây là 6 cách mình đã từng làm để giới hạn topic, thoát khỏi cảnh loay hoay không biết phải vẽ gì trong quá trình tự học thiết kế:

01 Tracing theo chủ đề

Dự án cá nhân đầu tiên của mình là “đồ lại ảnh thật của người nổi tiếng”. Công việc vô cùng đơn giản, chọn một bức ảnh chân dung của người nổi tiếng mà bạn thích, rồi đồ lại nó.

Bài tập này giúp mình làm quen với pentool, và hiểu được sự khác nhau giữa ảnh thật và đồ họa vector.

Một số điều kiện mình tự đưa ra khi luyện tập tracing là:

  • Không vẽ theo style của người khác, chỉ được vẽ theo những gì mình nghĩ.

  • Không cố gắng vẽ lại giống hệt ảnh thật, chủ ý thêm thắt ít nhất vài nét sáng tạo của bản thân vào tranh.

  • Càng ít Anchor Point càng tốt. Tập quản lý layer gọn gàng.

Ngoài người nổi tiếng ra thì mình còn trace các công trình nổi tiếng, các con vật, hoa lá…

02 36 Days of Type

Đây là một challenge khá nổi tiếng đối với những ai vừa mới học design - vẽ lại các chữ cái hoặc con số theo phong cách của bạn. Đừng lầm tưởng nó chỉ dành cho dân học Typo nhé, bạn có thể vẽ bất cứ thứ gì, bất kỳ phong cách gì, miễn là nó mang “hình hài" của những con số hoặc chữ.

Việc gói gọn mọi thứ trong những hình dạng có sẵn sẽ giúp bạn:

  • Thoát khỏi áp lực là phải vẽ một bức tranh toàn cảnh nặng nề.

  • Kích thích trí tưởng tượng, tạo ra những ý tưởng khác biệt điên rồ.

  • Có thể vẽ liên tục trong nhiều ngày, giúp ích rất nhiều cho việc rèn luyện kỹ năng.

  • Tiết kiệm thời gian suy nghĩ, chọn lựa topic hay research không có chủ đích.

Nếu việc tạo ra một bộ full cả chữ và số là quá lâu, khiến bạn dễ nản và bỏ cuộc giữa chừng, thì mình có một lời khuyên là hãy chỉ bắt đầu với 10 con số hoặc một vài con chữ mà bạn thích (ví dụ tên bạn, hoặc 1 cụm từ nào đó ý nghĩa với bạn). Sau khi xác định được rồi thì phải cố gắng thực hiện hoàn chỉnh nó nhé.

03 Draw by shape - Vẽ những thứ ngay trước mắt theo style đơn giản

Hãy thử vẽ lại những gì bạn đang nhìn thấy ngay trước mắt bằng style hình khối đơn giản. Có thể là một cái đèn bàn, một bình hoa, một cốc nước, hay cái điện thoại nằm trên bàn… hoặc là một tấm ảnh đẹp trong điện thoại của bạn.

Lưu ý, mình không nói đến việc vẽ những hình vuông tròn thô cứng đâu nhé. Việc chúng ta cần làm là giảm bớt chi tiết của vật thể, đưa nó về hình dạng/angle đơn giản hơn, sau cùng là đi màu một cách “vô tri". Càng vô tri càng tốt, vì lúc này chúng ta chỉ đang trong quá trình luyện tập và thử nghiệm, không nên cố pick màu của ai đó hay lấy các bảng màu có sẵn trên mạng nhé.

Đừng cố vẽ quá giống thật, cũng đừng quá “hoạt hình", hãy thử sáng tạo theo phong cách riêng. Nếu nó chưa đẹp, hãy research rồi tiếp tục chỉnh sửa và improve liên tục. Đọc bài viết về “O5 CÁCH ĐỂ RESEARCH TỐT HƠN" của mình để tìm hiểu thêm về cách research nha.

Sau cùng là add thêm ánh sáng hoặc bóng đổ nếu cảm thấy cần thiết. Và final tác phẩm thôi.

04 Vẽ vật dụng isometric

Trong rất nhiều style thì mình thấy isometric là một style có giới hạn rõ ràng nhất, đồng thời cũng giúp ích nhiều nhất cho việc luyện tập tư duy về hình khối. Nó đã quy định rất cụ thể về angle cũng như shape, bạn không cần lăn tăn về việc chọn góc, chọn cách đi shape nữa. Chỉ cần chọn một thứ mà bạn cảm thấy phù hợp rồi đưa nó về style isometric.

Lưu ý nhỏ khi vẽ isometric là hãy vẽ chính những vật dụng trong nhà của bạn hoặc một đồ vật mang tính cá nhân để tránh việc tranh bạn vẽ ra y hệt template. Nó có thể chưa đẹp, nhưng tuyệt đối đừng nên đại trà.

05 Tham gia challenge

Việc tự nghĩ ra đề bài cho bản thân đôi lúc sẽ gặp khó khăn. Vậy nên việc tham gia các hội nhóm cùng các challenge của họ sẽ giúp ích rất nhiều. Vừa giúp bạn có động lực, vừa là dịp giúp bạn tìm hiểu và biết thêm những anh chị cùng ngành.

06 Những lưu ý khi quyết định vẽ gì đó:

Đừng cố chọn idea quá vĩ mô. Lúc mới bắt đầu vẽ mình thường hay nghĩ đến những idea kiểu như:

  • Một dự án cá nhân đặc nghẹt chi tiết khiến ai nhìn vào cũng phải wow.

  • Một dự án giúp đưa văn hoá dân tộc Việt Nam ra thế giới.

  • Một dự án biến những thứ truyền thống hằng ngày của người Việt trở nên hiện đại và đẹp đẽ hơn trên nền tảng digital.

  • Một dự án mà ngay khi mình public sẽ rầm rộ trên các hội nhóm design, hoặc ít nhất là được bạn bè gần xa khen lấy khen để.

Mình đã từng nghĩ như vậy đấy, và mình chưa bao giờ làm được cả, vì toàn bỏ cuộc giữa chừng.

Nên vẽ ít nhất 3-5 tranh cho một chủ đề, đừng chỉ vẽ những tranh rời rạc không liên quan gì đến nhau. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng trình bày sản phẩm một cách chuyên nghiệp hơn trên các nền tảng thiết kế cũng như là trong portfolio cá nhân sau này.

Nên vẽ những thứ mà bạn nghĩ sẽ có ích cho portfolio trong tương lai, tiệm cận được với nhiều người xem. Đừng nên quá kỳ quặc, hoặc mang tính cá nhân quá cao.

Previous
Previous

#4 - 05 CÁCH "TẬN DỤNG" ĐIỂM YẾU?

Next
Next

#2 - MÌNH KHÔNG CÓ STYLE NÀO CẢ